Lịch sử văn hóa Lịch sử văn hóa

Lễ gắn biển di tích cách mạng kháng chiến đình Thượng Cát; gia đình cụ Đàm Thị Nghiên; gia đình cụ Trần Thị An - Đàm Văn Nhỡ, phường Thượng Cát
Ngày đăng 26/11/2020 | 10:31  | Lượt xem: 1071

Xem với cỡ chữ Đọc bài viết

Hòa chung trong không khí cả nước thi đua lập thành tích kỷ niệm 74 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến; 76 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam; Kỷ niệm 16 năm ngày Di sản văn hóa Việt Nam và hướng tới chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Ngày 21/11/2020, UBND quận Bắc Từ Liêm trang trọng tổ chức Lễ gắn biển di tích cách mạng kháng chiến Đình Thượng Cát; Gia đình cụ Đàm Thị Nghiên; Gia đình cụ Trần Thị An - Đàm Văn Nhỡ, phường Thượng Cát.

Tham dự lễ gắn biển di tích cách mạng kháng chiến có các đồng chí đại diện cho các Sở, ban ngành Thành phố; Đại biểu quận Bắc Từ Liêm có đồng chí Lưu Ngọc Hà - Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND Quận cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Quận ủy, Trưởng các ban ngành, đoàn thể thuộc Quận; Đại diện lãnh đạo Đảng ủy-HĐND-UBND-UBMTTQ các phường cùng các tầng lớp nhân dân trên địa bàn phường Thượng Cát.

Thay mặt Đảng, Chính quyền và Nhân dân phường Thượng Cát, đồng chí Nguyễn Xuân Quyết – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường đã báo cáo kết quả công tác bảo tồn và phát huy di tích cách mạng kháng chiến trên địa bàn phường. Hiện nay phường có 10 di tích cách mạng kháng chiến, trong đó có 5 di tích đã được thành phố Hà Nội quyết định công nhận gắn biển. Đó là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với Nhân dân và các gia đình cơ sở cách mạng kháng chiến trên địa bàn Phường.

Đồng chí Nguyễn Xuân Quyết - Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND Phường báo cáo kết quả
công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích cách mạng kháng chiến

Tại buổi lễ, đồng chí Hoàng Thị Thu Hà - Phó Trưởng phòng Nội vụ đã thừa ủy quyền công bố các quyết định gắn biển và các đồng chí Lãnh đạo Quận đã trao quyết định cho chính quyền, nhân dân địa phương và các cơ sở di tích cách mạng kháng chiến.

Lãnh đạo Quận trao quyết định công nhận gắn biển di tích cách mạng kháng chiến

Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Lưu Ngọc Hà - Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND Quận khẳng định di tích cách mạng kháng chiến gắn liền với lịch sử hào hùng của dân tộc trải dài từ những năm đầu của thế kỷ XX đến suốt hai cuộc kháng chiến cứu quốc vĩ đại. Quận Bắc Từ Liêm luôn từ hào khi trên địa bàn có nhiều di tích là nơi ghi dấu những sự kiện lịch sử cách mạng liên quan tới quá trình hoạt động của các tổ chức, cá nhân, các vị lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, trong đó có 03 di tích được gắn biển tại phường Thượng Cát.

Đồng chí Lưu Ngọc Hà - Phó bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND Quận phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ

Đình Thượng Cát là nơi đã diễn ra cuộc Mít tinh của hơn 1000 quần chúng Nhân dân. Tại đây, đồng chí Hoàng Tùng (được Trung ương Đảng cử về) đã lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng giành thắng lợi, xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến tay sai, thành lập chính quyền Dân chủ Nhân dân. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (giai đoạn 1964-1972), Đình Thượng Cát được sử dụng làm kho chứa quân trang, quân dụng của đơn vị K10, Cục Hậu Cần, quận chủng Phòng Không - Không Quân.

Nghi lễ gỡ vải đỏ tại di tích cách mạng kháng chiến đình Thượng Cát

Gia đình cụ Đàm Thị Nghiên, là cơ sở cách mạng của Xứ ủy Bắc Kỳ, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (thời kỳ 1939-1945). Nơi nuôi giấu các đồng chí cán bộ cấp cao của Đảng về hoạt động, địa điểm cất giấu vũ khí, tài liệu và trạm giao thông liên lạc.

Nghi lễ gỡ vải đỏ tại gia đình cơ sở cách mạng cụ Đàm Thị Nghiên

Gia đình cụ Trần Thị An - Đàm Văn Nhỡ là cơ sở cách mạng của Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ, đã nuôi giấu, bảo vệ các đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Dung, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Tùng, vợ chồng đồng chí Văn Tiến Dũng - Nguyễn Thị Kỳ và là nơi đặt trạm liên lạc, nơi ăn, ở, đi lại, làm việc, cất giấu  tài liệu bí mật của Đảng.

Nghi lễ gỡ vải đỏ gia đình cơ sở cách mạng cụ Trần Thị An - Đàm Văn Nhỡ

Khẳng định các di tích cách mạng kháng chiến như một minh chứng cho lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc; là niềm vinh dự, tự hào to lớn của Quân và Dân quận Bắc Từ Liêm nói chung và của Chính quyền, Nhân dân phường Thượng Cát nói riêng. Việc di tích cách mạng kháng chiến được công nhận và gắn biển vừa là biểu tượng cho tinh thần bất khuất, đấu tranh quả cảm của lớp người đi trước, vừa thể hiện tấm lòng tri ân, đạo lý uống nước nhớ nguồn của thế hệ hôm nay. Thay mặt lãnh đạo Quận ủy - UBND quận Bắc Từ Liêm, đồng chí Lưu Ngọc Hà – Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND Quận đề nghị các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể cùng toàn thể cán bộ và nhân dân phường Thượng Cát phát huy truyền thống cách mạng, thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích; thường xuyên tổ chức tọa đàm gặp gỡ, trao đổi với các nhân chứng lịch sử,nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu quê hương đất nước cho thế hệ trẻ hôm nay đặc biệt là học sinh, sinh viên tiếp tục phát huy truyền thống cha anh để dựng xây đất nước đi lên trong xu thế hội nhập và phát triển. Bên cạnh đó, cần có kế hoạch giới thiệu di tích trên báo, tạp chí và các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tuyên truyền, quảng bá về giá trị lịch sử, văn hóa của di tích cũng như truyền thống đấu tranh cách mạng của địa phương… Tiếp tục sưu tầm những tài liệu, hiện vật liên quan đến sự kiện lịch sử cách mạng diễn ra tại đình Thượng Cát; gia đình cụ Đàm Thị Nghiên; Gia đình cụ Trần Thị An - Đàm Văn Nhỡ nói riêng và các di tích trên địa bàn nói chung; phấn đấu thi đua lập nhiều thành tích góp phần xây dựng phường Thượng Cát ngày càng văn minh, giàu đẹp trên con đường công nghiệp hoá - hiện đại hoá, xứng đáng với sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh đi trước và khẳng định vị thế của một địa phương giàu truyền thống cách mạng của quận Bắc Từ Liêm, của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Đồng chí Ngô Ngọc Vĩ - Bí thư Đảng ủy phường phát biểu cảm ơn tại buổi lễ

Với niềm vinh dự tự vào và ý nghĩa to lớn của buổi lễ, đồng chí Ngô Ngọc Vĩ – Bí thư Đảng ủy phường  gửi lời cảm ơn tới các đồng chí lãnh đạo Quận đã luôn quan tâm tạo điều kiện trong quá trình hoàn thiện hồ sơ và tổ chức buổi lễ gắn biển hôm nay. Đồng chí cũng gửi lời tri ân sâu sắc tới các thế hệ ông cha, các gia đình cơ sở cách mạng vì những đóng góp to lớn cho phong trào cách mạng tại địa phương trong các cuộc kháng chiến. Đồng thời, tiếp thu các ý kiến phát biểu chỉ đạo của đồng chí Phó bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND Quận trong thời gian tới, Đảng ủy phường sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo Chính quyền, các tổ chức, cơ quan, đơn vị và Nhân dân thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo tồn và phát huy gia trị di tích cách mạng kháng chiến trên địa bàn Phường./.

                                                                                                                                          Vũ Hà